Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An “Trao chất lượng - Nhận niềm tin”.

Thứ tư - 08/03/2023 21:49 313 0
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An “Trao chất lượng - Nhận niềm tin”.
           Với đặc thù là đơn vị đào tạo nghề cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của UBND tỉnh, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Cùng với cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp, trang thiết bị thực hành hiện đại; đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề… trường luôn giữ vững phương châm “Đào tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động”, học sinh của Trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, thu nhập ổn định.
            Đào tạo gắn với Doanh nghiệp và thị trường lao động
           Thầy giáo Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An cho biết: Bám sát mục tiêu “Đào tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động”, Nhà trường đã khảo sát và tập trung đào tạo các nghề mũi nhọn mà thị trường đang cần như: Trung cấp nghề Hàn, Điện dân dụng, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, May thời trang… Học sinh của Trường thường xuyên được tham quan học hỏi thực tế tại doanh nghiệp như: Công ty may cổ phần may Minh Anh, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An … trực tiếp quan sát, giao lưu, tìm hiểu các nội dung, yêu cầu về kiến thức chuyên môn và những kỹ năng mà các doanh nghiệp đòi hỏi, qua đó giúp các em xác định phương pháp, kế hoạch học tập, rèn luyện tốt nhất. Nhờ vậy, rút ngắn khoảng cách đào tạo với thực tế sản xuất, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận, làm quen, thực hành, sản xuất thực tế ngay tại doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng có cơ hội tuyển dụng được đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
  1  
Học sinh của Trường tham quan thực tế tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
            Mặt khác, Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của Tỉnh và một số doanh nghiệp như: Xí nghiệp May XNK Hải Phòng, công ty may Hoàng Tùng Anh (Vĩnh Phúc), Công ty TNHH Đại Hoa (Hà Nội), Công ty AMEC (Hải Phòng) … cho học sinh đi thực tập “Học - Làm và Làm - Học”; điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp, bài bản… tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp. Hầu hết các em sau tốt nghiệp đã có việc làm ngay, được làm việc đúng nghề, thu nhập ổn định, mức lương khởi điểm từ 7 – 12 triệu (nghề May), từ 10 – 15 triệu (nghề Điện, Hàn) ... Nhiều học sinh còn tự tạo được việc làm cho mình, mở được cơ sở kinh doanh các nghề hàn, điện nước, hoặc đi làm việc ngoài nước...
  2  
Thầy giáo Lê Văn Tuấn –
Hiệu trưởng nhà trường hỏi thăm các bạn học sinh thực tập tại Doanh nghiệp
Chất lượng đào tạo - mấu chốt thành công
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả, Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An đã xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm cho công tác đào tạo. Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An đã chủ động phối hợp với các Trường Trung học cơ sở, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về phân luồng, chương trình dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm. Việc tuyên truyền, tư vấn được tổ chức sâu rộng dưới nhiều hình thức: treo thông báo tuyển sinh tại các vị trí trung tâm xã, trường học, thôn bản, tổ chức hội nghị phân luồng cấp huyện, hội nghị cấp trường tại 100% các trường Trường Trung học cơ sở trong khu vực và trực tiếp tư vấn đến tận gia đình học sinh ...
Nhà trường đã chủ động lấy ý kiến đánh giá, phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của nhà giáo nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng và ban hành các quy trình trong các hoạt động đào tạo (quy trình tuyển sinh, quy trình thi kết thúc MH/MĐ, quy trình đề nghị vật tư thiết bị…); làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp, ngành đầu tư cơ sở vật chất theo hướng trường nghề chất lượng cao, khang trang như: Khu nhà điều hành, lớp học lý thuyết, khu nhà thực hành, ký túc xá… song song với đó là các trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại. Tạo lập môi trường đào tạo thân thiện, hiệu quả; tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đời sống, tinh thần cho từng giáo viên; đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…
  3  
Học sinh nghề May tại giờ học thực hành tại Trường
         Không chỉ chú trọng mục tiêu đào tạo kiến thức, với đặc thù hầu hết học viên đều là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở nội trú, Nhà trường còn xác định trở thành “ngôi nhà thứ hai” của các em. Vì vậy, các chế độ chính sách đối với học sinh, sinh viên được quan tâm thực hiện đúng quy định. Học sinh nội trú được đảm bảo về chế độ trợ cấp, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế học đường, an ninh trật tự... Ngoài ra, các em còn được tham gia các hoạt động nội trú, ngoại khóa hữu ích nhằm trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng mềm như: Tham gia các lớp kỹ năng sống về an toàn giao thông, chống bạo lực học đường, lớp ngoại khoá về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thi đấu thể dục thể thao, văn nghệ, làm sạch - xanh môi trường giáo dục… Các hoạt động này đã giúp cho các em học sinh cảm giác thoải mái, yêu thích môi trường nơi các em đang sống và học tập; tạo được tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi gửi con tại nhà trường; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
 
  4  
Chương trình ngoại khóa sức khoẻ sinh sản vị thành niên của học sinh tại Trường
Từ sự nỗ lực không ngừng, Nhà trường đã khẳng định được vị trí, sự tin cậy của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận. Tỷ lệ tuyển sinh trung bình hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cụ thể:
Trong năm 2022, trường Tuyển mới  573 học sinh/chỉ tiêu 550 học sinh trung cấp, đạt 104,2% chỉ tiêu UBND tỉnh giao với các nghề: Điện dân dụng, Điện công nghiệp, Hàn, Công nghệ Ô tô, May thời trang, Thú y. Đã mở 30 lớp với 1020 học viên hệ sơ cấp đạt 100% chỉ tiêu được giao. Gồm các nghề: Dệt, Đan lát, Điện dân dụng, Hàn Điện, Làm chổi, May công nghiệp, Chăn nuôi Thú Y, Trồng nấm,… Ngoài ra còn phối hợp mở 04 lớp với 130 học viên cho huyện Con Cuông theo nguồn kinh phí chương trình MTQG cấp cho địa phương… Có 2 dự án ý tưởng khởi nghiệp của học sinh lần đầu tiên tham gia cuộc thi cấp tỉnh và có 1 dự án đạt giải Nhất, 1 dự án đạt giải Khuyến khích; 1 dự án ý tưởng khởi nghiệp của nhà trường đạt giải khuyến khích tại vòng chung kết cấp Quốc gia. 
  5  
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tặng hoa chúc mừng Nhà trường nhân Lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023.
 
  6  
Doanh nghiệp tặng hoa chúc mừng và trao quỹ học bổng cho Nhà trường
 nhân Lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023.
       Với việc chú trọng đào tạo nghề gắn liên kết với các doanh nghiệp, nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm; xác định nghề đào tạo phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội về công tác học nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho lao động nông thôn./.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay8,527
  • Tháng hiện tại44,330
  • Tổng lượt truy cập6,964,589
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây